“mõ” trong đời sống làng xã việt nam xưa

Thảo luận trong 'Góc lưu niệm - Giải trí' bắt đầu bởi Cụ Chánh bá, 6/2/12.

  1. Cụ Chánh bá

    Cụ Chánh bá Lý trưởng

    “Mõ” trong đời sống làng xã Việt Nam xưa
    [​IMG]
    Có một bộ phận người làm việc đặc biệt trong đời sống làng việt xưa, đấy là “thằng mõ”. Đó là người truyền tin, mặc dù vậy đây là nghề được coi là thấp hèn nhất. Người rao mõ thường là dân “ngụ cư” và bị miệt thị…
    Sự xuất hiện của nghề “rao mõ”
    Không có một tư liệu nào nói về sự ra đời của nghề rao mõ, cũng như các văn bản hành chính xưa quy định chức phận của mõ làng.
    Trong Tạp chí xưa và nay số 2(12) tháng 2/1995, hai nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Văn Sự và Nguyễn Xuân Diên cho rằng: “Có hai tư liệu quan trọng giúp xác định sự ra đời của nhân vật này là Hồng Đức quốc âm thi tập và vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Ở phần phụ lục Hồng Đức quốc âm thi tập có bài Thằng Mõ… trong Quan Âm Thị Kính, mẹ Đốp là vợ thằng mõ. Mà vở chèo này đã được khẳng định là ra đời vào thế kỉ XV”. Điều đó cho phép khẳng định: nghề rao mõ đã có rất lâu trước khi được đưa vào văn học, là nơi để quần chúng nhân dân gửi gắm, bộc lộ, phản ánh những khao khát của mình. Và nghề rao mõ thường gắn với đình làng.
    Qua khảo sát của nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa làng xã Việt Nam cổ truyền, hầu hết các làng Việt ở đồng bằng Bắc bộ và Trung du phía bắc, trừ những làng mới lập hay quá nghèo, đều có người rao mõ.
    Điểm chung nhất của họ đều là “dân ngụ cư”. Xưa kia, dân ngụ cư thường bị coi khinh trong cộng đồng làng xã.
    Để trở thành dân “chính cư” ít nhất phải thoả mãn hai điều kiện: đã cư trú ít nhất 3-5 đời và có chút điền sản.
    Điều kiện thứ hai có thể là do đặc điểm của xã hội tiểu nông mà quyền tư hữu đối với một mảnh đất nhỏ để trồng trọt là thỏa mãn điều kiện làm người. Điều kiện thứ nhất phải chăng là bản năng tự vệ của từng cộng đồng trước sự hạn hẹp đất đai canh tác và luôn đương đầu với áp lực dân số?
    Người đến ngụ cư phải chịu một thân phận thấp kém, dân làng khinh miệt, phải dựng nhà ở rìa làng, không được vào đình, không được tham dự việc làng, không được hưởng ruộng công và sống bằng nghề làm thuê, rao mõ…
    Thời điểm ra đời đó có thể khẳng định làng xã đã được sự ổn định về tổ chức và chỉ có mõ làng chứ không có ở huyện, tổng hay thôn, xóm…
    Chức phận thằng mõ
    Người rao mõ thường bị khinh miệt, gọi là “thằng mõ”, có vai trò quan trọng trong thông tin truyền khẩu của Việt Nam qua nhiều thế kỉ. Người rao mõ thường cầm cái mõ bằng gộc tre khô và cái dùi tre trong tay, gõ một hồi cho mọi người nghe rồi cất tiếng rao cho mọi người biết tin tức hoặc mệnh lệnh của vua, hay những điều muốn thông báo.
    Người rao mõ là “chân rết” trong hệ thống thông tin xưa và khác với gia nô, tá điền của chủ. Mõ không riêng của ai, Mõ là của cả làng. Mõ là lao động dịch vụ chứ không phải lao động sản xuất, do đó không quan hệ gì nhiều và trực tiếp đến ruộng đồng và công cụ lao động.
    Mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp, các phe, giáp trong làng. Mõ gần gũi với chức dịch nên biết rõ nội dung tranh chấp giữa các cá nhân hay dòng họ, nhưng không ủng hộ một phe phái nào, Mõ không có hành vi tiêu cực trong đời sống cộng đồng.
    Mõ bị dân làng khinh rẻ, nhưng không ai căm ghét như với bọn trộm cướp hay cường hào. Con cái của Mõ sinh ra không được đi học, khi lấy chồng, lấy vợ chỉ được lấy con nhà Mõ, và vô hình chung “nghề mõ” trở thành cha truyền con nối. Khi làng có đình đám, cả gia đình Mõ được huy động ra làm “việc làng”, khi chia phần, dân làng cũng chia cho Mõ một cỗ riêng, ăn không hết thì mang về…
    “Nghề mõ” và người rao mõ có lẽ là một đặc thù rất riêng của làng xã Việt Nam xưa và đó cũng là một công việc đặc biệt trong tổ chức xã hội thời phong kiến.
    Tác giả : Bùi Hữu Cường
    ST : dantri.com​
     
    CrisRonaldo_No2, DHHH_K51, 1Tay2Ti2 others thích điều này.
  2. 1Tay2Ti

    1Tay2Ti Dân đen

    Nghề mõ cũng lắm truân chuyên nhỉ.