Giới thiệu chung

Thảo luận trong 'Văn hóa đình làng Việt Nam' bắt đầu bởi Mod09, 15/12/15.

  1. Mod09

    Mod09 Administrator Ban quản trị

    Đã từ rất lâu rồi, khi nói đến văn hoá làng, nói đến nông thôn Việt Nam, người ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh rất đặc trưng, làm nên biểu tượng của làng quê: cây đa, bến nước, sân đình…
    Xưa nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến mọi sinh hoạt, tập tục và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Kiến trúc đình làng vì vậy mà mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt truyền thống. Trong khuôn viên của ngôi đình thường có cây đa cổ thụ tỏa bóng cả râm mát, hồ sen và một khoảng sân vẫy gọi chim về làm tổ.

    [​IMG]

    Vào ngày lễ tết, dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và trời đất phù hộ giúp mưa thuận gió hoà để mùa màng gặt hái thuận tiện và có nhiều phúc lành. Tiết xuân về, giữa cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, ấm áp và thân thuộc; già, trẻ, gái, trai nô nức đến sân đình mở hội. Ngôi đình là nơi diễn ra các nghi lễ phong tục tập quán, trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, đánh đu, kéo co, thi thổi cơm, cờ người… góp thêm hồn cho lễ hội và phát huy giá trị văn hóa địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá, đánh thức quan niệm sống truyền thống nhân nghĩa, đức độ và hào hùng.

    [​IMG]

    BQT Sân Đình xin bày tỏ mong ước sưu tầm những kiến thức về văn hóa đình làng trên khắp mọi miền tổ quốc, kính mong nhận được sự giúp đỡ của các bác, các anh chị và các bạn trong việc cung cấp thông tin. Những thông tin mà các bác, các anh chị và các bạn cung cấp sẽ được chúng tôi chọn lọc và biên tập, sau đó đăng tải lên diễn đàn. Bạn sinh ra từ làng, bạn tự hào về mái đình thân thương làng mình? Hãy chia sẻ với chúng tôi!

    Các bài chia sẻ phải viết bằng tiếng Việt có dấu.
    • Đối với các bài viết và hình ảnh do chính các bạn thực hiện được lựa chọn đăng tải, Sân Đình xin tri ân 50.000.000 Bảo cho người viết bài.
    • Đối với các bài viết và hình ảnh sưu tầm (các bạn vui lòng ghi rõ nguồn), Sân Đình xin tri ân 5.000.000 đến 10.000.000 Bảo cho người viết bài.
    Hàng năm Sân Đình sẽ tổng kết những bài viết tự thực hiện, tiêu chí đánh giá là nội dung hay, trình bày đẹp, hình ảnh phong phú để chọn ra "Bài viết giới thiệu về văn hóa đình làng xuất sắc nhất năm" với mức thưởng 1.000.000.000 Bảo!
    Thay mặt Ban Quản Trị
    Trân trọng!
     
    Chỉnh sửa lần cuối: 15/12/15
    hailam2009, ngatngay1234, Jiang Rossoneri11 others thích điều này.
  2. vtgiang171

    vtgiang171 Dân đen

    VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG TRONG TÔI​
    Trong tâm hồn mỗi con ngươi sinh ra ở nông thôn Việt Nam thì cây đa,giếng nước,sân đình đều in sâu dấu ấn trong tâm hồn.Cây đa,giếng nước,sân đình là nơi ngịch ngợm hồn nhiên thủa còn thơ ,là nơi tụ tập tránh nắng trưa hè đón gió tối hè với các trò chơi con trẻ với bạn bè thủa cắt cỏ chăn trâu. Cây đa,giếng nước,sân đình cũng là nơi tụ họp trước khi những chàng trai cô gái lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, tổ quốc. Cây đa,giếng nước cũng là nơi những đôi trai gái tâm tình chuyện trăm năm dưới ánh trăng sáng ngời. Đình làng cũng là nơi để lúc lớn tuổi về thắp nén hương cúi đầu tưởng niệm trước hồn thiêng của ông cha đã dựng xây nên làng xóm quê mình.Đình làng là nơi lưu giữ bao giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là nơi cha ông gửi gắm tâm nguyện của mình vào cho cháu con như một đôi câu đối tôi đã đọc được trong một đình làng:

    chăn trâu, thổi sáo.
    Chăn trâu, thổi sáo​
    "Mái đình che trở hồn dân tộc
    Nếp sống muôn đời của tổ tiên".
    Đình làng là biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Việt.
    Đình làng là biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Việt​

    Cây đa, một trong những đực trưng của văn hóa làng xã.
    Cây đa, một trong những đực trưng của văn hóa làng xã​
    Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Cái đình trang trọng và thiêng liêng, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Nhưng đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, Đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam.
    Nhìn quanh đình làng, ta sẽ thấy lòng tri ân, trọng nghĩa, trọng tài, ''uống nước nhớ nguồn'' của người Việt Nam. Tuy đình là của dân làng, nhưng thần không hẳn là người của làng. Hơn nữa, người Việt Nam thừa hưởng nhiều tín ngưỡng cổ sơ, nguyên thủy, nên thờ và tôn kính rất nhiều vị thần như: thần núi, thần biển, thần nước (thần Tản Viên)... ở Phù Ninh (Phú Thọ) thờ thần Đá Trắng, vùng đồng bằng thờ thần cá, thần rắn... Tất cả những tín ngưỡng ấy, các thế hệ dân Việt Nam tiếp nối nhau tạo thành một nền văn hoá đình, một nền văn hóa hỗn hợp, đa dạng, có mặt nhiều thành phần tôn giáo khiến cho đình trở thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức mạnh vô hình của làng xã cộng đồng Việt Nam.
    Lễ hội đình làng Hùng Lô, Phú Thọ.
    Lễ hội đình làng Hùng Lô, Phú Thọ
    lễ hội đình làng Cẩm Hải, Cẩm Phả, Quảng Ninh.JPG
    Lễ hội đình làng Cẩm Hải, Cẩm Phả, Quảng Ninh​
    Ở nước ta vào đầu thời Trần, vua Trần Thái Tông xuống chiếu: "... nơi nào có đình trạm thì phải tô tượng Phật để thờ trong đình đó" (đình trạm là những kiến trúc được dựng lên ở các cung độ đường làm nơi cho nhà Vua đi tuần thú hoặc khách bộ hành nghỉ ngơi). Là bởi thời đó Phật giáo đang chiếm ưu thế. Sang thời Lê, kinh tế hàng hóa phát triển, những đình trạm cũng được xử dụng làm chợ, nên gọi là đình chợ (như đình chợ Đông Ba - Huế, Xuân Giang - Nghệ Tĩnh).
    Từ thế kỷ 16 đến 19 có những lúc ngơi chiến tranh, người dân có điều kiện phát triển kinh tế nên đình được phát triển hơn. Những nơi không có chiến tranh như miền Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây đình phát triển mạnh (đình Chu Quyền, đình Đình Bảng, đình Tây Đằng). Dần dần những ngôi đình làng phát triển ở miền núi, vùng người Tày, người Nùng (đình Hồng Thái, Tân Trào). Trải qua thời gian, đình làng dần dần thiên di vào miền Trung, nhất là Bắc Trung Bộ: đình Hoàng Sơn, Chu Cân ở Nghệ An. Nhưng càng vào Nam càng ít và đến Nam Bộ, ngôi đình chỉ còn là ngôi đền.
    Đình tồn tại trên công thổ, công điền của làng. Người từ 18 tuổi trở lên được nhận ruộng công về làm và nộp hoa lợi cho đình hoạt động. Mỗi khi ra đình phân biệt mâm ăn và chiếu ngồi, chia phần "một miếng giữa làng hơn một sàng só bếp", "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần"... Như vậy, đình làng diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất chặt chẽ, trọng tuổi hơn trọng chức sắc, là nơi quyết định số phận kinh tế, chính trị và tâm tư tình cảm của người dân.
    Hàng năm đình có lễ hội thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày mất của thần được thờ. Lễ hội gắn với truyền thống lịch sử (sự tích thần đánh giặc, lập làng, dạy nghề), gắn với lễ nghi nông nghiệp (lễ rước nước). Tế thần là hoạt động diễn lễ của hội tế để biểu thị lòng biết ơn của dân làng đối với thần, mong thần tiếp tục phù hộ cho đân làng mạnh khỏe, được mùa . Lễ vật tế thần là cỗ tam sinh (trâu, bò, dê hoặc lợn) là những sản phẩm nông nghiệp, là lễ vật kỷ niệm. Ví dụ đình Lưu Kiếm - Thủy Nguyên - Hải Phòng, xưa Trần Hưng Đạo qua đó chuẩn bị trận Bạch Đằng, dân làng chỉ kịp dâng cỗ "quá lộ" có cơm và cá, ngày nay khi tế thần ở đình này cũng có lễ vật "quá lộ". Đình làng Hương Trầm có bánh chưng, bánh giày cúng Lang Liêu . Nhân dân thường dùng kiệu Ngọc Lộ hoặc kiệu Bát Cống trong lễ rước thần. Đặc biệt thường có con ngựa gỗ đi theo kiệu thần. Con ngựa gắn liền với cuộc sống đời xưa trong chinh chiến, đi lại và đã đi vào hoạt động tâm linh.
    Hội đình mang lại niềm vui cho mọi người, mang tiết lễ. Trong hội diễn lại nhiều trò như giết giải cứu công chúa, hoặc gần với sự tích, gần với nông nghiệp (Vua Hùng đi săn), các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian: đu quay, đánh vật...
    Thủy đình rối nước, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định.
    Thủy đình rối nước, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định​
    Nhìn chung, văn hoá đình Việt Nam có tính hoàn toàn độc lập của một cộng đồng xã hội biết tổng hợp dung hòa mọi nền văn hóa khác thành một nét văn hóa riêng nhằm phục vụ an ninh cho dân tộc mình, trong ấy, yếu tố chủ yếu vẫn là thờ cúng những người có công với xã, người anh hùng dựng lập nước và bảo vệ đất nước.
    Kiến trúc đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt truyền thống.
    làng gốm Thổ Hà.
    Làng gốm Thổ Hà​
    Thế kỷ XVIII, Việt Nam có khoảng 11.800 làng xã. Mỗi làng có một cụm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo đình đền chùa với hàng trăm pho tượng và nhiều đồ trang trí thờ cúng khác nhau.
    Có lẽ, những đình cổ nhất nước ta vẫn là những ngôi đình mang kiến trúc theo hình chữ Nhất như: đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh. Riêng đình Lỗ Hạnh, nguyên xưa là chữ nhất, nhưng qua các đời sau tu bổ đã thêm hậu cung nên đình thành chữ Đinh. Theo quan niệm kiến trúc, đình là một kiến trúc công cộng, rộng mở để chờ đón bất cứ người con nào của đất Việt. Với ý nghĩa như thế, đình làng Việt Nam chính là nơi không phân biệt giàu sang nghèo hèn, là nơi thể hiện rõ nhất văn hóa hiện thực của đời sống nhân dân.
    Khác với những kiến trúc tôn giáo khác, ngay ở những vị trí tôn nghiêm của đình làng, ta cũng có thể gặp hình tượng những đôi trai gái đùa ghẹo nhau hay đang tình tự... Từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng hầu như không còn những cảnh sinh hoạt dân gian. Từ đây chỉ còn những hình trang trí hoa lá và phổ biến là hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Trong các đình thế kỷ XIX, thường có những bức cửa võng trước điện thờ được chạm trổ khá công phu
    Rồng đỏ thợ Yên Thành tại Đình Sừng - Một di sản kiến trúc văn hóa độc đáo.JPG
    Rồng đỏ thợ Yên Thành tại Đình Sừng - Một di sản kiến trúc văn hóa độc đáo​

    tải xuống.
    Kiến trúc cổ, một đặc trưng của văn hóa làng xã​

    Nhìn lại các đình Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Cao Thương (Hà Bắc), Phù Lão, Chu Nguyên, đình Hương Lộc, Phùng Thượng, đình Thổ Tang, Ngọc Canh để thấy rằng, đình là một khối điêu khắc trong không gian, đầy chi tiết tinh tế, nhưng cũng đầy tính khoa học kiến trúc. Nói về đường nét, đình là nơi hội tụ những mô típ trang trí tuyệt hảo, gồm nhiều xu hướng: hiện thực, cách điệu và đồ họa. Ví dụ như: ở đình Phù Lão (Bắc Giang) có hình điêu khắc phụ nữ khỏa thân đùa với rồng, gối đầu lên mình rồng; một hình trang trí đầy sáng tạo nữa là mây bay. Để đưa mây vào trang trí cho đình, người thợ Việt Nam đã cố gắng diễn đạt được cái nhẹ nhàng phù vân của mây vào các bẩy hiên cổn và mây đã thành hình khối di động, uyển chuyển, chỗ dày, chỗ mỏng như có gì lay động.
    Ở các ngôi đình miền Trung, điêu khắc trang trí không phong phú như¬ các ngôi đình miền Bắc. Có người đã tổng kết về trang trí trên gỗ ở các ngôi đình vùng Thừa Thiên - Huế : "Trong kết cấu gỗ của nội thất tùy quan niệm thẩm mỹ mà dân làng có thể chạm trổ chi tiết đầu rồng, đuôi rồng ở đầu đuôi kèo, chạm hoa và đường chỉ xuyên tâm ở thanh xà và đòn tay. Việc chạm trổ nhiều, thích ứng với các đình có kết cấu vừa phải, thanh tú. Chạm trổ ít, thích ứng với các đình có kết cấu gỗ to lớn, đồ sộ...".
    le-hoi-cung-dinh-Nam-Bo.
    Lễ hội cung đình Nam Bộ​
    Đình miền Nam cũng có lối trang trí đắp nổi mặt ngoài gần giống đình miền Trung, nhưng điêu khắc trang trí trên gỗ thì cũng có điểm khác biệt. Phần lớn chạm khắc gỗ này đã có từ giữa thế kỷ XIX. Bốn cột đình thường được trang trí hình rồng, nên gọi là "long trụ". Nhiều nơi, long trụ chạm rời bên ngoài ốp vào, nhưng cũng có nơi long trụ được trổ một khối nguyên... Ngoài những cột long trụ đình Nam Bộ thường có các bao lam trước điện thờ, như cửa võng trong các đình miền Bắc, được chạm trổ rất tinh vi, đề tài thường là tứ linh, cá hóa long, rồng, hổ...
    Như vậy, điêu khắc trang trí, cùng với kiến trúc đã làm cho đình có những nét riêng trên chiều dài của đất nước
    Đình làng đã có từ ngàn xưa, gợi nhớ một di tích cổ kính thân tình. Đình làng lại theo ta vào cuộc sống mới và hình ảnh đậm nét về nó không hề phai nhạt trong cuộc sống của người Việt Nam hôm nay.
    St; Vũ Trường Giang - nick vtgiang171. id: 1149276
     
  3. Mod09

    Mod09 Administrator Ban quản trị

    Cám ơn bài chia sẻ của @vtgiang171 .
    Mỗi bài chia sẻ các bạn lập vào 1 chủ đề riêng nhé.
    Tiêu đề ghi rõ tên đình làng mà các bạn muốn chia sẻ và giới thiệu với mọi người.
    Mỗi 1 đình làng sẽ là 1 chủ đề, đó là cách tốt nhất để chúng ta phân biệt và lưu giữ các nét Văn hóa đình làng trên quê hương mình.
     
    hailam2009, Jiang Rossoneri, pdhien3 others thích điều này.
  4. lamtythoi

    lamtythoi Chánh tổng

    Trong bộ ảnh của mình có ảnh của Đình và Chùa làng An Hòa nhà mình : Từ cái hồ trước Đình ,giữa hồ có Thủy Đình trên Thủy Đình có Bia Tiến sỹ và tên các Liệt sỹ con em của làng .Cảnh cái Giếng cổ có viền bằng đá ,cây muỗm già ..Trong Chùa có Lăng của các cụ sư trụ trì ,cảnh thịt lợn khao Hội Làng ,cảnh người ăn đông ngút trời ..Nhưng tiếc nhất là không chụp cảnh đánh Chắn và Phỏm tại giữa Đình làng .Có khoảng trên dưới 10 bàn vừa Chắn vừa Phỏm ,đánh 3 ngày liên tục ,trong lúc chơi nếu ai văng tục thì tự động bỏ ra số tiền bằng 1 dịch ( Quăng 4/2 thì bỏ 20 k,quăng 2/1 thì bỏ 10k ) ,lúc đứng lên bỏ vào hòm Công Đức .Lúc nào nhờ Khoai pots hộ nhé .
     
  5. Mod06

    Mod06 Administrator Ban quản trị

    Chào mừng bạn đến với Sân Đình!

    Trân trọng.
     
  6. Đình làng Bắc Bộ
    Chuyên mục
    09/01/20180



    Giản dị và trang nhã, mộc mạc song không kém phần tinh tế, đình làng được ấp ủ dưới những bóng cây, không phô trương, trấn áp mà bình dị, lạc quan… Kiến trúc, mỹ thuật đình làng mang các yếu tố thuần Việt riêng biệt, thể hiện sự trở về, tiếp nối truyền thống văn hóa Đông Sơn, là biểu tượng sống động, chân thực, thành quả nghệ thuật kết tinh hàng ngàn năm của người Việt.

    [​IMG]
    Đình Chu Quyến

    Tư duy văn hóa thần linh ở gần cõi người, truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời gắn chặt với đất, với trời nên người Việt ngay từ khi hình thành ý tưởng xây dựng đã luôn có một ý thức sâu sắc về sự hòa hợp với thiên nhiên. Trong môi trường khí hậu có sự thay đổi lớn và thất thường (bão lụt, hạn hán, nắng nóng, lạnh giá…) thì sự cân bằng, ổn định là yếu tố được đề cao. Các loại hình kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt đều có xu hướng phát triển theo chiều ngang, bám chặt xuống đất để tạo thế cân bằng và ổn định. Kiến trúc đình làng cũng vậy, nó là thành quả tuyệt vời, thể hiện cách ứng xử khéo léo của cha ông ta đối với môi trường sống, vừa chế ngự, hạn chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vừa linh hoạt khôn khéo tận dụng những điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển.

    [​IMG]Tầm thước và giản dị, kích thước đình làng thể hiện tỉ lệ tương quan hợp lý với cảnh quan thiên nhiên, giữa các bộ phận của từng cấu kiện, tạo hiệu quả thẩm mỹ cao. Kỹ thuật lợp ngói hai lớp làm cho mái đình dầy và nặng, có thể chống được các cơn gió giật, đồng thời có tác dụng điều hòa nhiệt độ bên trong. Mái đình sà xuống thấp để tránh mưa hắt, chung quanh không cần tường bao che, thông thoáng tứ bề. Về sau, mái đình cao lên và nhẹ đi thì phần phía trước thường có cánh cửa theo kiểu “thượng song hạ bản”, rất thoáng mát. Mô thức nhà sàn và các đầu đao uốn cong là yếu tố đặc sắc có tính bản địa của kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Nó giúp ta phân biệt với các kiến trúc khác ở Việt Nam và khu vực.

    Người Việt tư duy thực tế, đình làng được hình thành như một thiết chế tổng hợp, đa chức năng, vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng, vừa có uy lực thế tục của chính thể quân chủ, đồng thời lại hòa đồng gần gũi với đời sống dân dã. Ngôi đình đặt ở đâu, thì tạo ra trung tâm làng ở đó. Vị trí dựng đình được chọn lựa rất kỹ theo thuyết phong thủy vì người ta cho rằng nó liên quan đến sinh mệnh cả làng. Đình to lớn, bề thế, nhưng không gây cảm giác trấn áp, kiến trúc không nặng nề, rườm rà nhưng vẫn có vẻ oai nghiêm nhất định.

    [​IMG]
    Đình Bảng

    Mái là yếu tố đặc sắc nhất của đình. Khi xây dựng, những người thợ đã làm cho 4 góc mái đình kéo cong về 4 phía tạo thành các đầu đao duyên dáng làm cho kiến trúc trở nên nhẹ đi, như bay bổng trong không gian. Nghệ thuật lợp mái và lát sàn theo chiều ngang hòa nhập vào cảnh quan, các thành phần của kiến trúc được thực hiện một cách tinh xảo. Những cột, kèo và những chi tiết cấu thành khác luôn luôn được khéo léo phô ra trong sự đơn giản tự nhiên của nó. Những đường mái thẳng hơi võng xuống, những bình đồ không cân đối giao hòa bằng nhịp điệu tinh tế theo độ cao thấp tự nhiên của mặt đất. Dưới bộ mái trùm rộng ra, ngôi đình thể hiện sức khái quát lớn, khiến ta liên tưởng về một sự che chở, ôm ấp, vỗ về…

    [​IMG]
    Đình Đồng Ngạc

    Hình thái không gian đình không cố định, thích ứng với địa thế, địa cảnh cụ thể. Mái đình che gần hết không gian bên trong, ở đây không có tín hiệu thị giác nào điều khiển tâm thức theo một nghi lễ định sẵn trừ khi làng có việc. Cơ chế tồn tại của làng phản ánh rõ ở không gian của đình. Nó nặng tính thích ứng hơn chinh phục, linh hoạt do luôn có “độ lơi” trong cấu trúc, dễ dung hợp bởi đa năng, tự điều chỉnh hơn phải can thiệp là những giá trị của văn hóa ở mà người làng tạo ra cho không gian đình.

    Trong tinh thần ấy, đình làng không phải là vật để ngắm nhìn mà là thực thể để thực hành. Bản thân nó là một không gian văn hóa đa tầng, nhiều ngữ nghĩa. Không gian đình là không gian “đời” của làng. “Ở đó có nước mắt và lọn tóc của ả làng bị bắt vạ, có niềm thâm nghiêm và hư hãnh khi rước sắc phong, có vết lằn của chiếu chèo, chiếu cỗ trên mặt đất nện hay sân gạch. Tiếng to, tiếng nhỏ khi ăn chia, giọng lễ, giọng vặt khi đón bạn hát ngày xuân, đến đình người ta sống thật, cởi mở và chân tình với nhau hơn…” – KTS Nguyễn Luận.

    [​IMG]
    Đình Hương Lộc

    “Nhà kiến trúc trước hết là một người thợ mộc” (M.Gonse). Những người thợ của làng quê Việt Nam đã nâng tình yêu đối với thiên nhiên cây cỏ lên tới đỉnh cao bằng việc đẽo gọt, vuốt ve từng thớ gỗ trên cấu kiện của đình. Cái đẹp của gỗ còn quý hơn cái vĩnh cửu của công trình làm nên. Từ tầm thước quy định của cây gỗ, người thợ áp vào đó một kích cỡ vừa phải, tương ứng với đầu óc chừng mực của họ. Từ bàn tay mềm mại, tạo tác nhanh chóng của họ, từng chất liệu, kết cấu được hiện ra, thời gian phủ lên lớp rêu phong khiến đình hiện lên một cách tự nhiên, chân thật và tôn quý.

    Mái đình cong hình thuyền, sống nhà cong, cấu trúc sàn còn lưu lại theo truyền thống văn hóa Đông Sơn, kỹ thuật ghép mộng, phân lực lên các chân cột làm cho kiến trúc linh hoạt, động và biến hóa. Trong khuôn khổ có hạn của các khuôn gỗ, các chi tiết vẫn hiện lên duyên dáng, đầy ấn tượng với cái nhìn từ hai góc. Kiến trúc đình mở, thông thoáng, thoải mái, dân tự góp, tự làm khuyến khích tùy hứng sáng tạo, các thủ pháp điêu khắc đa dạng, không phân biệt đẳng cấp, mang hơi thở của tinh thần dân chủ, khoan dung từ rất sớm (thờ nhiều thần, hỗn dung tôn giáo, không có cực quyền, cuồng tín…).

    [​IMG]
    mảng chạm khắc đình tinh xảo thế kỷ XVII ở đình Hương Lộc, Nam Định

    Mỹ thuật đình làng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo mà trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, chưa từng có một di sản văn hóa nào. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đình làng có giá trị nghệ thuật độc đáo, không có sự lặp lại ở các nền mỹ thuật khác. Nó là tác phẩm của những nghệ nhân dân gian. Nghệ thuật xuất phát từ đời sống, từ cái nhìn có tính bản năng thuần phác của người nông dân. Khi sáng tạo, người nghệ sĩ – nông dân không bị câu thúc bởi bất cứ quy chuẩn tạo hình nào. Họ tự do bộc lộ cái cảm tự thân về hiện thực, bằng bất kỳ thủ pháp nào mà người nông dân cho là phù hợp với bản năng nguyên phác của họ. Trong họ đồng thời có hai con người: Người nghệ nhân với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện và người nghệ sĩ với sự tự do trong tưởng tượng, phản ánh, thể hiện và miêu tả hiện thực. Nhiều thủ pháp tạo hình được sử dụng để sáng tạo ra các bức chạm khắc, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống như cái nhìn của trẻ thơ.

    Điều làm cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật nước ngoài ngạc nhiên, thú vị là các tác phẩm điêu khắc đình làng có những nét rất hiện đại, có sự gặp gỡ với những tác phẩm điêu khắc hiện đại phương Tây. Bức đánh cờ ở đình Ngọc Canh có con mắt viễn – cận ngược chiều, từ trong tỏa ra, từ trên nhìn xuống, mỗi nhân vật được vặn theo một không gian riêng, như trong hội họa hiện đại. Ta nhận thấy ở đây cái cảm xúc chân thật, ý muốn giãi bày một hiện thực toàn diện. Con mèo ngoạm cá ở đình Bình Lục lại được vạc đẽo bằng những nhát đục thô gãy, bẳn gắt, như hội họa biểu hiện. Một nét độc đáo của mỹ thuật đình làng là sự xử lý rất thông minh mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc trang trí. Các bức phù điêu trang trí với số lượng lớn được gắn vào khung gỗ chịu lực, lấp các khoảng trống của kiến trúc. Điêu khắc không lấn át kiến trúc, mà tôn trọng và tô điểm cho kiến trúc. Ngôi đình trở nên đẹp đẽ và thiêng liêng hơn.

    [​IMG]
    Đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội)

    Như một quy luật, kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam nói chung và kiến trúc đình làng nói riêng đều tuân theo nguyên tắc tính đăng đối. Tính đăng đối là một thuộc tính của tự nhiên và nghệ thuật. Thật ra, trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam, với tính dân gian đậm đặc, tính đăng đối không đạt tới sự đối xứng tuyệt đối của toán học. Bản chất của nó là sự lặp lại có quy luật, tạo nhịp điệu, làm cho kiến trúc trở nên sinh động, giàu tính trang trí, tác động đến thị giác tạo ấn tượng thẩm mỹ. Nó cũng tác động đến cảm giác, tạo sự ổn định, bền vững, thể hiện nhu cầu thường hằng của cư dân nông nghiệp.

    Cũng đăng đối nhưng nếu như kiến trúc truyền thống Trung Hoa nổi bật với màu đỏ rực rỡ của sơn ở cấu kiện gỗ, màu men vàng, xanh của ngói ống, nét duyên dáng, uyển nhã, có xu hướng nổi bật, hướng ngoại, cầu kỳ, thì đình làng Việt mang màu sắc tự nhiên, chân thực của vật liệu, nét rêu phong cổ kính của mái ngói, cái mộc mạc, nguyên sơ của gỗ. Công trình có xu hướng trầm, hướng nội như bị hút xuống đất và lẫn vào không gian cảnh quan… Đình chủ yếu là gỗ, gạch, đá tham gia không đáng kể. Do có sàn, nên thềm và nền đình ít được chú trọng chăm chút, kiến trúc mở, để thoáng xung quanh, công trình gần gũi với con người, chạm khắc của đình nhiều và phong phú làm cho các kết cấu gỗ trở nên mềm mại, uyển chuyển, không gian trở nên sinh động hơn.

    Đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu màu mỡ là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam. Kiến trúc và mỹ thuật đình làng Bắc Bộ (từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đầu 20) đánh dấu đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Việt Nam, chứa đựng những giá trị nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật vô cùng quý báu, chứa đựng nhiều yếu tố thuần Việt, nguyên bản, không thấy lặp lại ở các nền văn hóa khác. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt được bộc lộ qua tư duy thẩm mỹ, thể hiện qua thức kiến trúc, mối quan hệ giữa kiến trúc và môi trường, qua các thủ pháp nghệ thuật, các môtíp, họa tiết, hình khối, đường nét, màu sắc…đặc biệt là “hồn cốt” của dân tộc toát lên từ những mái đình đơn sơ và bình dị.

    ThS.KTS Lê Hữu Trúc

    (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017
     
    lamtythoiMod06 thích điều này.