Đình Nam Đồng

Thảo luận trong 'Văn hóa đình làng Việt Nam' bắt đầu bởi Jiang Rossoneri, 20/12/15.

  1. Jiang Rossoneri

    Jiang Rossoneri Lý trưởng

    Đình Nam Đồng có từ thế kỷ 17, trong thờ anh hùng Lý Thường Kiệt; năm 1991 được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Địa chỉ hiện nay: số 73 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

    [​IMG]
    Cổng đình Nam Đồng.

    Đình Nam Đồng hiện nay nằm sát một trục giao thông rất quan trọng nối liền trung tâm thủ đô với vùng tây-nam của TP Hà Nội. Hàng ngày xe cộ qua lại nườm nượp và vội vã nên mặc dù có biển đề nhưng trừ dịp lễ hội khách bộ hành cũng khó nhận ra đây là một trong vài nơi thờ Thái úy Việt quốc công Lý Thường Kiệt trên địa phận kinh thành Thăng Long chính quê hương Ngài.

    Khỏi cần phải giới thiệu Lý Thường Kiệt bởi vì Ngài nổi tiếng cả sử sách Việt Nam lẫn Trung Quốc về buổi đầu kỷ nguyên độc lập và giữ nước của dân tộc ta cách nay gần nghìn năm. Nhưng ít ai biết rằng mộ Ngài theo truyền thuyết được táng ở phía nam đàn xã tắc, nghĩa là thuộc chính khu vực Xã Đàn này. Đình có ít nhất từ thế kỷ 17, tới năm 1991 được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia với những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo của các nghệ nhân thời Lê-Nguyễn, bên cạnh bi ký cổ văn và đồ tế khí tinh xảo.

    [​IMG]
    Chính điện đình Nam Đồng.

    Khuôn viên đình làng Nam Đồng trước đây khá đẹp và rộng rãi, ao đình phía trước chỉ bị san lấp vào cuối thế kỷ 19 khi con đường Hà Nội—Hà Đông được xây dựng hiện đại và nắn thẳng hơn bởi người Pháp. Một trăm năm sau thì mọi ruộng vườn xung quanh và tuyến xe điện đều biến mất hết, đường trở thành phố xá và nhà cửa mọc lên san sát, dần dần chen lấn thu hẹp cả hai bên và phía sau đình.
    .
    [​IMG]
    Cánh tả tòa đại bái đình Nam Đồng.

    Dáng dấp ngôi đình ngày nay mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đình quay mặt về hướng tây-bắc, sát hè phố là tam quan với 4 trụ biểu, các mặt trụ đều viết câu đối chữ Hán, trên là lồng đèn ô vuông có đắp hình lân và tứ linh. Sân đình được lát gạch to, bên trái mới xây đài tưởng niệm liệt sĩ kiểu phương đình, bên phải có một cây sanh rễ mọc xù xì, sau gốc cây là hàng bia đá cổ dựng lại dọc tường.

    [​IMG]
    Cánh hữu tòa đại bái đình Nam Đồng.

    Nền đình Nam Đồng hơi thấp do sân bị tôn cao sau nhiều đợt trùng tu. Qui mô đình khang trang với kết cấu hình chữ “Nhị”, gần đây sửa thành hình chữ “Đinh”. Tòa đại bái rộng 5 gian, cửa chính có đỉnh đá và bát bửu che chắn. Hương án đặt sau đôi hạc đồng, phía trước trải thảm đỏ giữa hai hàng lỗ bộ. Hai gian bên bày cỗ trống đại và chiêng đồng với cặp tượng ngựa hồng-bạch đối xứng đứng chầu vào chính điện.

    Chái bên hữu tòa đại bái có ban thờ Hồ Chủ tịch, chái bên tả bày bảng xếp hạng Di tích và cỗ kiệu bát cống. Các cột đình đều treo những đôi câu đối chữ Hán. Tòa hậu cung rộng 3 gian, phía trước và dọc tường nhà thiêu hương mới xây là nơi xếp lễ vật. Đầu hàng hiên có cặp tượng hộ pháp Trừng Ác—Khuyến Thiện ôm đại đao đứng gác cung cấm, trong khám thờ đặt một pho tượng Lý Thường Kiệt khá lớn và long ngai, bài vị của Thành hoàng.

    [​IMG]
    Các bia đá đình Nam Đồng.

    Đình Nam Đồng hiện vẫn giữ được những mảng chạm khắc phong phú và đa dạng. Nhiều bức cốn có giá trị cao do được tạo tác độc đáo với những thủ pháp của nghệ thuật điêu khắc dân gian hồi thế kỷ 19. Cỗ ngai gỗ sơn son thếp vàng thậm chí mang niên đại thế kỷ 17. Ngoài các cổ vật khác như nhang án, hạc, đỉnh, lư hương, trong đình còn có tám tấm bia đá ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (năm 1756), Cảnh Hưng 32 (1771), Gia Long 14 (1815), Minh Mạng 17 (1836)... cùng một quả chuông đồng được đúc năm Chính Hoà 11 (1690).

    [​IMG]
    Tượng Lý Thường Kiệt ở đình Nam Đồng.

    Một trong các đôi câu đối ca ngợi Lý Thường Kiệt viết:

    Phạt Tống phong công lưu đế giản
    Bình Chiêm vĩ tích tại vương kỳ


    Đông Tỉnh dịch:

    Dẹp Tống, đại công ghi sử đế,
    Bình Chiêm, vĩ tích cắm cờ vua


    Ngày 2-10-1991 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Nam Đồng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Lễ hội đình làng được tổ chức mỗi năm hai lần, hội mùa xuân mở đúng dịp sinh nhật vị anh hùng Lý Thường Kiệt (ngày 16-17 tháng Hai âm lịch). Năm nay Ất Mùi, các bà các cô lại trang trọng dâng hương và lễ vật, có cả đoàn trống Thăng Long đến biểu diễn khai hội thật náo nhiệt.

    - Sưu Tầm - ( Theo Vanhien.vn )
     
    Tào Tháo thích điều này.