BÀN SÂU HƠN VỀ "ĂN MỘT RỒI ĐÁNH HAI"

Thảo luận trong 'Tổ Tôm Sân Đình' bắt đầu bởi Hoang202105, 26/3/22.

  1. Hoang202105

    Hoang202105 Dân đen

    BÀN LUẬN SÂU HƠN VỀ “ĂN 1 ĐÁNH 2” TRONG TỔ TÔM


    Thuật ngữ cần lưu ý:

    1. DỌC QUÈ, BÍ THIẾU: Có 2 quân cùng hàng (Vạn, Sách, Văn) thiếu 1 quân cùng hàng để tạo thành phu dọc gọi là “dọc què” ví dụ tứ, ngũ văn thiếu tam văn lục văn; có 2 quân cùng số (nhị, tam, tứ…) thiếu 1 hàng (Vạn, Sách, Văn) để tạo thành phu bí được gọi là “Bí thiếu” ví dụ ngũ vạn, ngũ sách – thiếu ngũ văn.

    2. LÊN: là nhà trên đánh xuống cho mình và không bị phỗng mất; nhà trên bốc được, không ăn, nhường lại cho mình mà không bị phỗng mất; đến lượt mình bốc nọc mà không bị ai phỗng mất.

    3. ĂN: Là mang (tối thiểu 2 quân của nhà bao gồm cả quân đã ăn dưới chiếu (nếu dư)) hợp với quân Lên tạo thành PHU TỐI THIỂU 3 QUÂN.


    A: CHƠI THEO LỐI XƯA.

    Luật Xưa của các cụ (tôi được biết tại Trực Ninh, Nam Định; đã chơi một số chiếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM) cũng như một số trang trên Mạng xã hội như CLB Tổ Tôm Thanh Xuân, Xuân Đỉnh; Trang Youtube của bạn Nguyễn Xuân Toàn… Tất nhiên trên Mạng Xã hội còn rất nhiều trang cho ra các luật chơi nhưng không theo lối Xưa của các cụ.


    1 – ĂN 1 quân của làng rồi đánh đi 2 quân của nhà cùng phu với 1 trong 3 quân của PHU CÓ QUÂN ĂN CỦA LÀNG.

    Cụ thể:

    Trường hợp 1: Trên tay có phu dọc: tam, tứ, ngũ sách và có 1 quân tứ vạn. Ăn quân Tứ văn của làng để tạo thành phu bí Tứ vạn, tứ sách, tứ văn (quân ăn của làng là Tứ Văn); Phu có quân ăn của làng là Bí Tứ, bao gồm quân của nhà là Tứ sách – Rồi đánh đi Cả 2 quân Tam sách và Ngũ sách.


    Trường hợp 2: Trên tay có phu bí Lục (lục vạn, lục sách, lục văn) và 1 quân thất văn. Ăn quân Bát văn của làng để hạ phu dọc Lục, thất, bát văn (Phu có quân ăn của làng là Bát văn bao gồm quân của nhà là Lục văn) – Rồi đánh đi Cả 2 quân lục vạn, lục sách.


    Gặp phải trường hợp này thì giữ nguyên PHU ĐÃ CÓ SẴN TRÊN TAY, ĐÁNH BỎ QUÂN LIÊN QUAN.


    2- Trong quá trình chơi xẩy ra trường hợp trên bài có 4 quân cùng chờ 1 quân lên để tạo thành phu (dọc què, bí thiếu cùng chờ 1 quân). Cách xử lý theo Luật xưa như sau:

    * Bài trên tay có 4 quân cùng chờ 1 quân: Tam vạn, Tam sách, Ngũ văn, Lục văn; cùng chờ Thất văn (đây là ví dụ có cước sắc) thì khi chơi, người chơi phải chủ động đánh đi 1 quân Ngũ văn hoặc Lục văn trước khi lên quân Thất văn. Nếu chưa kịp chạy (đánh bỏ 1 quân Ngũ hoặc Lục văn) quân Thất văn đã lên (do nhà trên đánh, nhà trên bốc nhưng không ăn, tự bốc nọc) thì bài của bạn bị khóa Nếu bạn hạ bí Tôm xuống chiếu (đa số người chơi đều chọn cước sắc) 2 quân Ngũ văn và Lục văn bạn phải giữ lại chờ các quân tiếp theo ví dụ Tam văn; tứ văn; thất văn nữa để thành phu chứ không nên đánh đi. Nếu muốn đánh thì chỉ được đánh đi 1 quân.

    Hai lần đánh trước đó, 1 lần đánh ngũ văn, 1 lần đánh Lục văn, lên Thất văn bạn ăn hạ bí Tôm cũng hợp lệ.

    * Bài trên tay có Nhị vạn, Nhị sách, Tam, Tứ văn cùng chờ 1 quân Nhị văn, bạn chủ động bỏ đi 1 trong 2 quân Tam hoặc Tứ văn trước khi lên quân Nhị văn. Rơi vào thế này thì bỏ Tam văn hoặc Tứ văn để lại Nhị vạn, Nhị sách vì có thể ăn được Nhị văn hoặc Bát văn. Nếu chưa kịp chạy thì bạn có thể hạ phu dọc Nhị Tam Tứ văn hoặc bí nhị đều được, lên Nhị văn nữa, bạn ăn tiếp hoặc lên Ngũ văn bạn ăn phu dọc Tam Tứ Ngũ văn.

    * Bài trên tay có Cửu vạn, Chi chi, Lục sách, Thất sách cùng chờ quân Bát sách – Đại đa số người chơi đều bỏ Lục, Thất sách để ăn Bát sách lấy Lèo, cũng giống như các trường hợp trên, bạn phải chủ động bỏ Lục, Thất sách trước khi lên Bát sách. Nếu chưa kịp chạy thì cũng nên giữ lại để chờ ăn Bát sách nữa hoặc ăn Ngũ sách.


    3- Trong quá trình chơi xẩy ra trường hợp có sẵn 5 quân tạo thành phu ngang dọc thiếu 1 quân để thành 2 phu. Cách xử lý theo luật xưa như sau:

    * Bài trên tay có Bí Tôm (Tam vạn, Tam sách, Thất văn) và Tứ sách, Ngũ sách; cùng ghép được với Tam sách. Giữ Bí Tôm, đánh bỏ Tứ sách và Ngũ sách – Không được lộ ra là có cầm Tam sách, khi Ù thì hạ xuống. Không được lộ nghĩa là Không được ăn thêm Tam sách, Tam vạn, Thất văn để hạ bí Tôm xuống chiếu.

    Nếu trót dại mà ăn thêm quân không ghép được với 2 quân còn lại thành phu thì ôm lấy hai quân đó mà chờ. Ví dụ: Ăn thêm Thất văn, hạ bí Tôm có 2 quân Thất văn thì 2 quân Tứ và Ngũ sách chưa kịp chạy thì nằm đó chờ Tam sách hoặc Lục sách. Lên Tam sách nữa thì đừng hạ Tứ, Ngũ, cứ ghép Tam sách vào bí Tôm là được.

    Đang tẩy dở mà lên quân ăn vào bí Tôm thì chớ dại mà ăn. Ví dụ: đánh đi Ngũ sách, lại lên Thất Văn, chớ dại mà hạ bí Tôm. Ăn vào thì quân Ngũ sách nằm im, không được đánh đi nữa.

    * Bài trên tay có bí Lèo (Cửu vạn, Bát sách, Chi chi) lại có Bát vạn, Bát văn – đánh bỏ bát vạn, bát văn thì không được lộ bí Lèo xuống chiếu. Giống như trên, nếu chưa kịp đánh bỏ mà đã ăn lộ Bí Lèo thì coi như hai quân Bát vạn, Bát văn bị trói. Ví dụ, ăn thêm Cửu vạn, hạ Cửu vạn, Bát sách, Chi chi. Trên tay còn lại Bát vạn, Bát văn thì ôm lại mà chờ lên quân Bát sách nữa. Có lên Bát sách thì cũng không cần hạ Bát vạn, Bát văn, chỉ cần ghé vào bí Lèo là được.

    Giống như trường hợp trên, đánh Bát văn (hoặc Bát vạn) đi rồi thì chớ dại mà ăn thêm để hạ Bí Lèo. Hạ là quân còn lại bị TRÓI.

    * Các trường hợp có 5 quân dính ngang dọc cũng xử lý tương tự tùy chọn giữ dọc bỏ bí hay giữ bí bỏ dọc phụ thuộc vào xem các quân bài đã lộ dưới chiếu.

    -

    TÓM LẠI chơi theo lối xưa – Luật đề ra là “không ăn 1 rồi đánh 2” được duy trì tuyệt đối trong cả 3 trường hợp trên.


    B: CHƠI THEO Luật Sân Đình, Tổ Tôm Điếm Bắc Ninh và một số nơi khác.


    1. Mục A-1 giống như lối chơi Xưa đã trình bầy ở trên.


    2. Trường hợp có 4 quân cùng chờ ăn thêm 1 quân tạo thành 1 phu rồi bỏ đi 2 quân còn lại THỰC CHẤT LÀ CHO PHÉP ĂN 1 ĐÁNH 2.

    Ví dụ: Trên tay có Tam vạn, Tam sách, Ngũ, Lục văn; lên Thất văn, ăn và hạ bí Tôm rồi đánh bỏ Ngũ, Lục văn đi. Gọi là gì thì tùy các bạn định nghĩa vì Chơi theo lối Xưa thì không được.

    Ví dụ: Trên tay có Cửu vạn, Chi chi, Lục Thất sách; lên Bát sách ăn bí Lèo rồi đánh Lục, Thất sách đi cũng được. Nước này ít người hạ Lục Thất Bát sách, rồi đánh Cửu vạn đi để Ù suông.


    3. Trường hợp có 5 quân cùng chung 1 quân tạo thành phu dọc và bí.

    * Bạn được phép chọn theo phía nào tùy thích và đánh bỏ hai quân phía kia đi trước hoặc sau khi ăn đều được. Ví dụ bạn có bí Tôm, Nhị, Tứ vạn. Ăn thêm Thất văn, hạ bí Tôm rồi đánh Nhị Tứ vạn đi được; hoặc bạn đánh bỏ nhị vạn, lên Tam vạn, bạn hạ bí Tôm (dư Tam vạn) rồi đánh nốt Tứ vạn được; hoặc bạn đánh cả Nhị vạn, Tứ vạn đi, lên Tam vạn bạn hạ bí Tôm (dư Tam vạn) cũng được.

    * Bạn cũng có thể ăn và hạ dọc 4 quân rồi đánh đi 2 quân phía bí, ví dụ: bạn có Tam, Tứ, Ngũ văn, Ngũ vạn, Ngũ sách; bạn ăn thêm Lục văn tạo thành phu dọc 4 quân : Tam. Tứ, Ngũ, Lục văn rồi đánh Ngũ vạn, Ngũ sách đi.

    * Cách này Theo Tổ Tôm Bắc Ninh là cho phép ăn phía nào có nhiều quân hơn (hạ phu 4 quân) đánh đi 2 quân liên quan.

    THỰC CHẤT ĐÂY CŨNG LÀ CHO PHÉP ĂN 1 QUÂN, ĐÁNH ĐI 2 QUÂN.

    ------

    Trên đây là lý giải cụ thể các trường hợp trong thực tế chơi Tổ Tôm, các bạn nên tham khảo.
     
    Nguyễn Tiểu ThươngMod01 thích điều này.
  2. GỬI BÁC HOÀNG VỚI CẢ NHÀ

    1-Vấn đề thế nào là “Ăn 1 Đánh 2” chúng ta đã bàn nhiều mà vẫn không thống nhất chỉ ở việc hiểu khái niệm “Ăn 1 đánh 2” là Ăn gì?

    -Vì bác đưa lại vấn đề lên diễn đàn nên em trao đổi cho rõ hơn(sao lại mở thêm mục này mà không đưa vào mục Góp Ý Luật TT cho cả nhà dễ theo dõi).

    2-Bác kết luận TTSĐ và Luật TT một số nơi cho “Ăn 1 đánh 2” thật sai lạc bản chất. Không ở đâu Luật Tổ Tôm cho phép “Ăn 1 đánh 2” cả. Bác giải thích “Ăn 1” là “Ăn 1 quân của làng” chính là điều sai lạc với thành ngữ các cụ xưa nói “Ăn 1 đánh 2” hay ngược lại; hoặc “Ăn 2 đánh 2”; hoặc “Ăn 3 đánh 2”hay ngược lại; hoặc “Ăn 3 đánh 3”; hoặc “Ăn 4 đánh 3” hay ngược lại; hoặc “Ăn 4 đánh 4”... “Ăn” trong thành ngữ đó là “Ăn được mấy quân của nhà theo phu tạo thành dưới chiếu” chứ không phải ăn quân của làng.
    Nói "Ăn 1" là "Ăn 1 quân của làng" thì các trường hợp "Ăn 2", "Ăn 3", "Ăn 4" bác giải thích "Ăn 2,3,4 quân của làng" ư?

    3-Do vậy, em có ý kiến để trình bày với bác và cộng đồng “KHÁI NIỆM ĂN GÌ?” để cả nhà thảo luận rõ hơn.

    Nguyễn Tiểu Thương
     
    Chỉnh sửa lần cuối: 27/3/22